(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Thương mại hoá sáng chế từ trường đại học vào doanh nghiệp – Thực trạng  (Phần 1)

Hiến pháp năm 2013 đã xác định phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) chính là quốc sách hàng đầu, có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Để thực hiện điều đó, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư triển khai nhiều nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN và thu được những kết quả đáng khen ngợi. Việc đầu tư, ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN là yếu tố quyết định để tạo ra các sáng chế có thể thương mại hoá. Tuy nhiên, vấn đề liên kết, hợp tác và chuyển giao công nghệ từ các trường đại học và doanh nghiệp hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một số vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Chu trình tạo ra sáng chế bắt đầu từ việc hình thành ý tưởng đến nghiên cứu, thử nghiệm, hoàn thiện và đăng ký.
Thương mại bao gồm tất cả các hoạt động nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Bản chất của thương mại hóa đối với sáng chế là quá trình chuyển hóa từ kiến thức khoa học kỹ thuật dưới dạng hình thái tri thức sang sản xuất dưới dạng hình thái vật chất.
Trong thực tế, thương mại hoá sáng chế từ các trường đại học có nhiều chuyển biến và thay đổi tích cực, tiêu biểu phải kể đến là số lượng đơn đăng ký sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu có xu hướng ngày càng tăng trong những năm gần đây; cùng với đó các Chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ngày càng khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để liên kết trưởng đại học và các doanh nghiệp, phát triển thị trường KHCN, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Nhiều Luật, Nghị định liên quan đến vấn đề này như: Luật KHCN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ… cũng đã tạo ra các hành lang pháp lý phù hợp để thúc đẩy mối liên kết này. Nhu cầu đổi mới, phát triển công nghệ về đổi mới sáng tạo nhằm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời, trong giai đoạn hiện nay các doanh nghiệp đã tăng cường gọi vốn đấu tư, khẳng định thương hiệu và luôn chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến rất tích cực nhưng để TMH sáng chế từ các trường đại học vào doanh nghiệp vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể như sau:
- Từ phía trường đại học: Nhu cầu và khả năng liên kết với DN chưa cao do thiếu động lực và thiếu cơ chế gắn kết, sản phẩm KHCN còn ít và kém chất lượng, năng lực và trang thiết bị còn hạn chế, thời gian nghiên cứu dài, trong khi nhu cầu DN cần sớm có công nghệ, thiếu cơ quan chuyên trách hiểu biết và gắn kết với DN.
- Về phía các doanh nghiệp: Phần lớn là DN Việt Nam với quy mô nhỏ, quy trình sản xuất đơn giản, tài chính hạn chế, khó có điều kiện liên kết. Các DN vẫn chưa quan tâm đúng mức đến cơ chế đầu tư tài chính cho việc nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, thẩm định giá công nghệ… Ngoài ra, còn có một vấn đề “nhạy cảm” là vấn đề bảo mật kinh doanh, nhiều DN vẫn chưa thật sự tin tưởng vào các trường đại học…
- Về phía Nhà nước: Còn nhiều chính sách ưu tiên cho trường công lập nên trường đại học và các DN vẫn chưa tích cực liên kết với nhau. Thông tin từ các chính sách khuyến khích chưa được phổ biến đầy đủ, kịp thời; thiếu cơ quan chuyên môn xúc tiến liên kết trường đại học – DN. Bên cạnh đó, nhận thức và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) còn yếu kém nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và hoạt động sáng tạo tại các trường đại học.
Với số lượng đơn đăng ký sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu có xu hướng ngày càng tăng trong những năm gần đây, chắc chắn rằng nếu khắc phục được những khó khăn trên thì sự kết hợp giữa trường, viện và doanh nghiệp hoặc sự hình thành mới các doanh nghiệp từ tài sản trí tuệ của trường đại học, viện nghiên cứu sẽ đem lại những kết quả tích cực.
Nguồn: Văn phòng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ./.

Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663